Thiết kế phòng cho trẻ em là một câu chuyện được nhiều người quan tâm, nhiều bậc phụ huynh có suy nghĩ việc thiết kế phòng cho trẻ rất đơn giản, không cần phải tính toán nhiều vì trẻ còn nhỏ chưa đòi hỏi nhiều yếu tố xung quanh như nội thất, cách bài trí,…Đây cũng là một lối suy nghĩ có phần đúng, nhưng chưa hoàn toàn đúng, việc thiết kế cho trẻ em một căn phòng để bé có thể phát triển toàn diện cần được tính toán rất kỹ lưỡng dựa trên nhiều yếu tố.
Xã hội phương Tây, việc trẻ em được bố mẹ cho ra riêng một căn phòng từ khi còn rất nhỏ là điều bình thường để luyện tập cho bé tính cách độc lập. Nhưng xã hội phương Đông thì có phần khác, bố mẹ thường bảo bọc con cái rất kỹ nên việc cho con ra ngủ riêng từ khi còn bé sẽ khiến nhiều người không an tâm. Xã hội ngày càng phát triển thì tư duy của nhiều người cũng phát triển và dần thay đổi thói quen bảo bọc con cái, nhiều bậc phụ huynh cũng bắt đầu tập cho con của mình thói quen tự lập bằng cách cho con ra ngủ tại phòng riêng, vừa tạo cho bé một không gian của riêng mình vừa luyện tập sự kiên trì, tự lập ngay từ nhỏ. Đây được xem là bước nuôi dạy con từ nhỏ rất tốt được nhiều bậc phụ huynh áp dụng. Tuy nhiên không giống như người lớn, quá trình hình thành và phát triển của trẻ sẽ chịu tác động nhiều bởi môi trường xung quanh. Do đó việc thiết kế phòng ngủ cho trẻ em cần phải quan tâm lưu ý đến nhiều vấn đề sau đây:
1. Lựa chọn vị trí đặt phòng ngủ cho bé
Trẻ con rất nhạy cảm, nhiều trẻ còn bị giật mình trong lúc ngủ. Do đó khi lựa chọn vị trí phòng ngủ cho bé, các bậc phụ huynh nên chọn phòng ở giữa hoặc phía trước ngôi nhà. Nhất là ở những vị trí nào ít có tiếng ồn nhất, tạo cảm giác an toàn cho bé, đồng thời giúp bé có những giấc ngủ sâu, ngon giấc và êm ái. Tránh đặt phòng ngủ của trẻ ở những nơi lạnh lẽo, ảm đạm, chẳng hạn như vị trí cuối nhà, gần nhà kho hay không gian trống ở phía dưới,… Những nơi như thế thường làm ảnh hưởng rất nhiều đến giấc ngủ của trẻ, từ đó làm ảnh hưởng đến sự phát triển của trẻ sau này.
2. Lựa chọn màu sắc chủ đạo trong phòng
Việc lựa chọn màu sắc rất quan trọng trong thiết kế phòng cho trẻ em. Có thể nhiều người không tin, nhưng màu sắc của môi trường xung quanh sẽ ảnh hưởng rất lớn đến sự phát triển lẫn tâm lý của bé sau này, nó góp phần trong việc định hình tính cách trẻ.
Khi bắt tay vào việc thiết kế nội thất phòng ngủ cho bé, bạn đừng quên dành thời gian ngồi nói chuyện với bé để biết được sở thích và để bé tự lựa chọn những bức tranh hay đồ chơi được bày trong phòng. Nếu các yêu cầu quá khó khăn, hãy kiên nhẫn giải thích cho con hiểu điều kiện của gia đình. Con sẽ rất vui và cảm thấy được tin tưởng.
Do đó, đối với những bé gái quý phụ huynh nên lựa chọn những gam màu nhã nhặn, nhẹ nhàng,… để góp phần hình thành tính cách dịu dàng nữ tính từ nhỏ cho trẻ. Ngược lại, đối với các bé nam thì cha mẹ nên lựa chọn những gam màu cá tính, mạnh mẽ và nổi bật như màu xanh da trời, màu cam, màu xanh lá cây,…
3. Lựa chọn giường ngủ và vị trí đặt giường ngủ cho bé
Ngoài màu sắc thì vấn đề bố trí nội thất trong phòng cũng rất quan trọng, nhất là bố trí phòng ngủ. Khi đặt giường ngủ trong phòng cho trẻ nên dựa vào tường để tạo điểm tựa chắc chắn. Lưu ý không đặt giường ngủ ngay cửa phòng, dưới cửa sổ hay đối diện với cửa ra vào, những vị trí này sẽ làm bé dễ giật mình nếu có người ra vào. Bên cạnh đó thì những vị trí này thường chiếu ánh nắng bên ngoài vào, những dòng khí bên ngoài xông thẳng vào phòng, giường ngủ của trẻ sẽ không tốt.
Một số mẫu giường hiện nay có thiết kế nhiều màu sắc, lòe loẹt hay có hình động vật ngộ nghĩnh lại không phải là kiểu đồ nội thất các chuyên gia khuyên dùng cho phòng ngủ của trẻ. Theo các nghiên cứu khoa học, loại sơn màu dùng trong trang trí nội thất như giường hoặc tủ quần áo, có thể gây dị ứng trên làn da nhạy cảm của trẻ.
Một chiếc giường phù hợp đặt trong phòng ngủ của trẻ chỉ cần có màu sắc nhẹ nhàng và đệm thật êm, đảm bảo trẻ sẽ an tâm ngủ ngon tới sáng. Ngoài ra, chiều cao của giường cũng nên ở mức 40 – 50cm và không nên có gầm thấp bởi đây là nơi khó vệ sinh, dễ khiến bụi bẩn tích tụ và lây lan trong không khí.
4. Sắp xếp và trang trí phòng cho bé
Quá trình sắp xếp khoa học và trang trí phòng cho bé sáng tạo sẽ kích thích não bộ và giúp bé phát triển toàn diện sau này. Với không gian phòng ngủ thoáng đãng, rộng rãi do biết cách bố trí, sắp xếp khoa học sẽ giúp trẻ hình thành nên sự sạch sẽ và gọn gàng từ nhỏ. Còn quá trình trang trí cho trẻ sẽ giúp trẻ kích thích được sự tò mò, tự nghiên cứu và trải nghiệm.
Đối với phòng của trẻ có thể không cần lắp đặt gương ngay, tránh trường hợp gương bị vỡ trong quá trình bé chơi đùa, ảnh hưởng đến sức khỏe của bé. Ngoài ra gương mang năng lượng dương, có thể làm ảnh hưởng đến tinh thần, gây khó ngủ khi về đêm. Bên cạnh đó cũng nên hạn chế bố trí đồ điện tử, công nghệ trong phòng bé, những thiết bị này sẽ làm ảnh hưởng đến trí não của bé trong quá trình phát triển.
5. Lựa chọn vật liệu nội thất
Thiết kế phòng cho trẻ em cần ưu tiên độ an toàn cho trẻ, và vật liệu nội thất là yếu tố quan trọng. Đây chắc chắn là yếu tố cần được các bậc phụ huynh lưu ý hàng đầu. Các loại vật liệu có khối lượng nặng như kim loại hoặc không chắc chắn rất dễ gây ra tai nạn cho trẻ. Nếu có thể, phụ huynh nên chọn loại chất liệu nội thất làm từ gỗ hoặc các loại vải bông, nhung thay vì những vật liệu nặng không an toàn.
Các thiết kế đồ nội thất cũng cần hạn chế các góc nhọn hoặc có chiều cao không phù hợp. Trẻ cần có bộ bàn ghế hay tủ sách tí hon của riêng mình để ý thức hơn việc bảo vệ và chăm sóc phòng ngủ riêng.
6. Thiết kế vị trí cửa số trong phòng của bé
Một cửa sổ lý tưởng cho phòng ngủ của trẻ nên nằm ở khoảng cách từ 1m – 1m2 tính từ nền nhà. Đây là độ cao phù hợp với cả phòng ngủ cho người lớn để vừa đảm bảo được sự riêng tư, vừa tránh được các tai nạn đáng tiếc. Nếu gia đình bạn ở chung cư, hãy trang bị thêm song sắt bảo vệ.
Ngoài vị trí thích hợp, kích thước cửa sổ cần đủ lớn để trẻ cảm nhận được ánh nắng tự nhiên, hít thở bầu không khí trong lành mỗi sáng. Những ngày thời tiết quá nắng nóng, rèm cửa là lựa chọn vừa tiện dụng vừa đẹp mắt cho mọi phòng ngủ.
7. Vị trí đặt ổ cắm điện và đồ nội thất khác
Ổ cắm điện trong phòng trẻ cần tuyệt đối được đặt ở những nơi ngoài tầm với hoặc khuất sau đồ nội thất bởi trẻ có tính hay tò mò, rất dễ tìm cách nghịch dây điện hoặc thò tay vào ổ cắm.
Các đồ nội thất như tủ sách cũng nên đặt ở góc phù hợp, tránh xa giường ngủ bởi những tác động vật lý bất ngờ có thể khiến sách hoặc các đồ vật khác rơi vào người trẻ trong điều kiện trẻ chưa có phản xạ tự bảo vệ.
Trên đây, nội thất MO đã đưa ra những lưu ý khi thiết kế phòng ngủ cho trẻ em, các bậc phụ huynh nên biết.